3 yếu tố để khởi nghiệp hiệu quả

Mặc dù mới chỉ xuất hiện trong vài năm trở lại đây nhưng lean startup đã nhanh chóng bén rễ trong thế giới khởi nghiệp và hiện tại nhiều trường kinh doanh cũng bắt đầu đưa phương pháp này vào giảng dạy.


Thành lập một doanh nghiệp - dù là công ty khởi nghiệp công nghệ, doanh nghiệp nhỏ hay chỉ là một sáng kiến trong một tập đoàn lớn - luôn là một công việc liều lĩnh.

Theo công thức được sử dụng từ nhiều thập kỷ nay, các nhà sáng lập sẽ viết ra một bản kế hoạch kinh doanh, trình bày nó với các nhà đầu tư, thành lập đội ngũ nhân viên, giới thiệu sản phẩm và sau đó bắt đầu bán hàng. Và đâu đó trong chuỗi những quá trình kể trên, bạn có thể phải trải qua một thất bại đau đớn. Theo thống kê có tới 99% các startup thường thất bại.

Tuy nhiên, một công thức mới xuất hiện thời gian gần đây có thể giúp quá trình khởi nghiệp trở nên bớt rủi ro hơn có tên gọi “LEAN STARTUP” (Khởi nghiệp tinh gọn). Phương pháp này đề cao việc làm việc thông minh hơn chứ không phải cần cù hơn, loại trừ sự bất ổn, phát triển sản phẩm thử nghiệm tối thiểu và tiếp nhận phản hồi từ phía khách hàng hiệu quả.

Mặc dù mới chỉ xuất hiện trong vài năm trở lại đây nhưng lean startup đã nhanh chóng bén rễ trong thế giới khởi nghiệp và hiện tại nhiều trường kinh doanh cũng bắt đầu đưa phương pháp này vào giảng dạy.

Hãy thôi ảo tưởng về một kế hoạch kinh doanh hoàn hảo

Thông thường, điều đầu tiên mà mọi nhà sáng lập phải làm trước khi mở doanh nghiệp là viết ra bản kế hoạch kinh doanh - một tài liệu miêu tả chi tiết về tiềm năng của cơ hội, vấn đề cần giải quyết và giải pháp mà công ty định sẽ cung cấp. Đặc biệt, nó còn bao gồm dự đoán doanh thu, lợi nhuận và dòng tiền trong vòng 5 năm tới của công ty.

Bản kế hoạch kinh doanh về cơ bản là một bài tập nghiên cứu dành cho doanh nhân trước khi bắt tay vào xây dựng sản phẩm. Giả thiết là nó có thể tìm ra hầu hết những ẩn số của một doanh nghiệp, trước khi huy động được tiền và thật sự thực thi ý tưởng.

Một khi doanh nhân có được bản kế hoạch kinh doanh thuyết phục và huy động được tiền từ các nhà đầu tư, anh ấy hoặc cô ấy sẽ bắt đầu phát triển sản phẩm.

Dẫu vậy, theo cách tiếp cận của phương pháp lean startup, kế hoạch kinh doanh là một tài liệu “hư cấu” và “lãng phí thời gian”.

Ngoài ra, quá trình khởi nghiệp thường không phải lúc nào cũng diễn ra theo đúng kế hoạch định trước. Đa phần những startup thành công đều trải qua rất nhiều thất bại, từ lần này tới lần khác, tất cả dựa trên sự thích ứng và cải thiện ý tưởng ban đầu.

Cuối cùng, quy trình viết kế hoạch kể trên thường áp dụng cho các công ty với những sản phẩm đã có rồi. Còn khởi nghiệp hoàn toàn khác. Một nhóm khởi nghiệp không phải là một công ty thu nhỏ. Khởi nghiệp phải đối mặt với những vấn đề mới, giải pháp mới, sản phẩm mới, khác hơn rất nhiều những gì các công ty vẫn làm.

Dưới đây là 3 nguyên tắc chính của phương pháp lean startup:

Quy trình khởi nghiệp

Đầu tiên: Mô hình kinh doanh

Thay vì giành hàng tháng để lập kế hoạch và nghiên cứu, những người khởi nghiệp chấp nhận một sự thật rằng, những gì họ có trong ngày đầu tiên là một seri các giả thuyết chưa được kiểm chứng – mà chỉ đơn giản là những phỏng đoán.

Vì thế họ không viết bản kế hoạch hoành tráng nữa mà thay vào đó là bản tóm tắt các giả thuyết trong một mô hình có tên gọi Business Model Canvas (tạm dịch bản vẽ mô hình kinh doanh). Đây chính là bản mô phỏng cách thức tạo ra giá trị của doanh nghiệp và cho khách hàng của doanh nghiệp đó.

Thứ 2: Lắng nghe khách hàng

Lean startup sử dụng phương pháp tiếp cận “vượt ra khỏi 4 bức tường” để kiểm chứng các giả thuyết của họ.

Họ không ngồi trong văn phòng mà đi ra ngoài, gặp gỡ, trao đổi với người dùng tiềm năng, người mua hàng, các đối tác về các thành tố tạo nên mô hình kinh doanh của họ, bao gồm đặc tính sản phẩm, định giá, các kênh phân phối và chiến lược thu hút khách hàng.

Điểm nhấn ở đây là sự nhanh nhạy và tốc độ: Các nhà khởi nghiệp nhanh chóng tạo ra những sản phẩm hiện hữu cơ bản/tối thiểu nhất và ngay lập tức thu thập phản hồi của khách hàng. Sau đó, họ tận dụng những đóng góp đó của khách hàng để xem xét lại những giả định và rồi bắt đầu lại từ đầu, kiểm nghiệm sản phẩm – điều chỉnh.

Điều thứ 3: Phát triển tinh gọn

Lean startup áp dụng phương pháp phát triển được học từ ngành công nghiệp phần mềm có tên gọi “Agile development”. Phương pháp phát triển nhanh gọn đòi hỏi nhà phát triển làm việc sát xao với nhu cầu của khách hàng.

Không giống với quy trình phát triển sản phẩm cổ điển kéo dài cả năm trời với những giả định về nhu cầu và vấn đề của khách hàng, mô hình nhanh gọn giảm thiểu sự lãng phí thời gian và nguồn lực bằng cách phát triển sản phẩm liên tục và cải tiến dần.

Khi Jorge Heraud và Lee Redden khởi nghiệp công ty Blue River Technology, họ vẫn đang là sinh viên tại Stanford. Họ có tầm nhìn xây dựng robot cắt cỏ để bán đại chúng. Sau khi trò chuyện với 100 khách hàng trong 10 tuần, họ nhận ra khách hàng mục tiêu ban đầu của mình là những sân golf không hề đánh giá cao ý tưởng này.

Tuy nhiên sau khi trò chuyện với các nông dân và nhận ra nhu cầu lớn cho việc tiêu diệt cỏ dại tự động mà không cần thuốc trừ sâu, họ đã chuyển hướng tập trung sản phẩm và trong vòng 10 tuần, Blue River đã xây dựng và thử nghiệm thành công nguyên mẫu sản phẩm.

9 tháng sau khi thành lập, công ty này đã huy động được 3 triệu USD từ các nhà đầu tư và họ hy vọng có thể bán sản phẩm ra thị trường trong vòng 9 tháng sau đó.

Tiếp nhận phản hồi của khách hàng hiệu quả

Sự phát triển của quá trình sản xuất được đo đếm bằng chất lượng sản phẩm. Đơn vị đo lường sự phát triển cho lean startup là việc tiếp nhận phản hồi hiệu quả hay không – đây là một phương pháp nghiêm ngặt giúp chứng minh sự tiến bộ của sản phẩm khi được phát triển trong một môi trường cực kỳ bất ổn.

Một khi các doanh nhân tiếp nhận các phản hồi hiệu quả, thì quá trình phát triển sản phẩm sẽ được rút ngắn đáng kể. Khi bạn tập trung vào nghiên cứu và phát triển cái khách hàng muốn và sẽ chi tiền cho nó thì bạn sẽ không phải tốn hàng tháng trời chỉ để đợi ngày sản phẩm thử nghiệm ra mắt rồi mới thay đổi hướng đi. Thay vào đó, các doanh nhân có thể thích ứng với những sự thay đổi trong kế hoạch mỗi ngày một chút.

Về cơ bản, sau khi chứng kiến hàng trăm công ty khởi nghiệp sử dụng phương pháp lean startup, có một kết luận quan trọng được rút ra: Sử dụng phương pháp lean startup sẽ dẫn tới ít thất bại hơn so với phương pháp truyền thống.

Hiện tại lean startup đã được giảng dạy tại hơn 25 trường đại học hay thông qua nhưng khoá học trực tuyến. Hơn nữa, ở nhiều thành phố trên thế giới, bạn cũng dễ dàng tìm thấy những tổ chức như Startup Weekend - đơn vị giới thiệu phương pháp lean startup cho hàng trăm doanh nhân triển vọng.

Tuy nhiên cần phải nói thêm rằng, dù mộ số tín đồ của phương pháp lean startup cho rằng nó giúp những công ty khởi nghiệp cá nhân thành công hơn nhưng đây có lẽ là một tuyên bố có phần quá phô trương.

Bản thân lean startup không phải là một phương pháp kỳ diệu đảm bảo chắc chắn cho thành công của mọi startup. Nó đơn giản chỉ là những phương pháp được tổng hợp lại. Còn việc áp dụng chúng vào thực tế như thế nào hoàn toàn tùy thuộc vào mỗi người.

Nguồn: Trí Thức Trẻ/HBR
Powered by Blogger.