Khởi Nghiệp hay tìm kiếm sự đảm bảo về tài chính?

Khởi nghiệp là gì? Có thật sự chúng ta đang khởi nghiệp? hay chúng ta đang tìm kiếm sự đảm bảo về tài chính?

Phong trào khởi nghiệp từ đâu tới?

Bối cảnh xã hội

Năm 2007, Việt Nam bước vào thời kỳ cơ cấu "dân số vàng", dân số của một quốc gia đạt cơ cấu “dân số vàng” khi tỷ số phụ thuộc chung nhỏ hơn 50%, hay nói cách khác có trên 2 người trong độ tuổi lao động trên 1 người trong độ tuổi phụ thuộc (tỷ số phụ thuộc chung được tính bằng tổng tỷ số phụ thuộc trẻ em và tỷ số phụ thuộc người già. Tỷ số phụ thuộc chung cho biết trung bình cứ 100 người trong độ tuổi lao động có bao nhiêu người phụ thuộc).

Trong khi nền kinh tế thế giới tiếp tục biến động và khủng hoảng liên tiếp xảy ra, làm ảnh hưởng đến kinh tế trong nước. Lượng việc làm được tạo ra không đủ đáp ứng nhu cầu cho người lao động, dẫn đến sự dư thừa một lượng lớn lực lượng lao động, đặc biệt tỷ lệ người trẻ thất nghiệp ngày càng cao.

Theo một thống kê gần đây của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn: Có 26,2 % cử nhân ĐH ra trường không có việc làm; 70,8 % cử nhân có việc làm nhưng phần lớn là làm trái ngành nghề; chỉ 19% làm đúng ngành nghề được đào tạo.

Cùng với đó là phong trào khởi nghiệp trên thế giới đã ảnh hưởng đến Việt Nam, bắt đầu từ câu chuyện sự vượt lên nghịch cảnh của Isarel, phong trào khởi nghiệp sau đó lan rộng đến thung lũng Silicon Valley. Các startup nổi lên như một cứu cánh cho bối cảnh kinh tế ảm đạm trên toàn cầu. 

Vậy khởi nghiệp là gì?

Neil Blumenthal người đồng sáng lập và đồng Giám đốc điều hành của Warby Parker trả lời tạp chí Forbes rằng: Startup là một công ty làm việc để giải quyết một vấn đề mà giải pháp là không rõ ràng và thành công không đảm bảo."

Ở Việt Nam khái niệm về Khởi nghiệp(Startup) vẫn chưa thật sự rõ ràng, chúng ta quan tâm đến kết quả nhiều hơn là quá trình. Trong khi tại những nơi mà Startup đã trở thành một ngành công nghiệp thì họ chấp nhận sự thất bại như một điều tất yếu: "giải pháp là không rõ ràng và thành công không đảm bảo".

Có 2 luồng tư duy về khởi nghiệp tại Việt Nam

1. Khởi nghiệp Chủ động: Là những người tham gia khởi nghiệp nhằm tìm kiếm giải pháp để giải quyết một vấn đề hoặc nhu cầu nào đó của xã hội. Họ làm việc vì đam mê và trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng và xã hội, muốn được cống hiến.

2. Khởi nghiệp Thụ động: Là những người tham gia khởi nghiệp nhằm tìm kiếm sự đảm bảo về công việc hoặc lợi ích nào đó về tài chính. Điều này dường như rất khó khi tham gia Startup, và không phù hợp với những người sợ rủi ro.

Những người khởi nghiệp thụ động sẽ rất khó thành công, bởi với startup: "giải pháp là không rõ ràng và thành công không đảm bảo". Những người này thường bỏ cuộc giữa chừng, thậm chí là trở nên tiêu cực với khởi nghiệp.

Một lời khuyên chân thành với những người có tư tưởng khởi nghiệp thụ động: Hãy dành thời gian để phát triển nghiệp vụ của bản thân và kiếm một vị trí trong các tập đoàn kinh tế, ở đó họ cũng có những dự án khởi nghiệp cho các bạn tham gia. Đó là con đường khởi nghiệp an toàn nhất.

Với những người khởi nghiệp chủ động, họ làm việc với sự say mê, họ có thể quên ăn quên ngủ, đôi khi là quên luôn cả gia đình và bạn bè để tập trung cho việc tìm kiếm giải pháp nhằm tạo ra những sản phẩm tốt nhất để phục vụ cho cộng đồng. Với họ không có thất bại, chỉ có những giải pháp chưa được tìm ra. Vì thế phần thưởng cho họ là rất lớn nếu startup đó thành công.

by Duong Kiyosaki
Powered by Blogger.