Nguyên nhân không có con & phương pháp cải tạo vận mệnh - Liễu Phàm Tứ Huấn

"...
Năm Kỷ Tỵ, ta quay trở về, du ngoạn qua Nam Ung tức Quốc Tử Giám ở Nam Kinh, nhưng trước khi nhập giám, ta tới bái phỏng Vân Cốc Pháp Hội thiền sư ở Thê Hà Sơn, cùng thiền sư đối diện trong một thất, tĩnh tọa ba ngày đêm chẳng nhắm mắt. 


Thiền sư hỏi ta: Sở dĩ người phàm không làm được thánh nhân chỉ vì bị nhiều vọng niệm vương vấn bao quanh che lấp mất tâm thanh tịnh mà thôi. Nhà ngươi tọa thiền ba ngày không thấy khởi một vọng niệm nào là vì sao vậy? 

Ta đáp rằng: Khổng tiên sinh đã lấy số chung thân cho ta, sự vinh nhục sinh tử đều do số đã định sẵn cả, nên dù có vọng tưởng hoặc mưu cầu điều chi cũng vô ích mà thôi , nên không khởi vọng tưởng nữa. 

Thiền sư cười mà nói rằng: Ta tưởng ngươi là một hào kiệt, nào ngờ ngươi vốn cũng chỉ là phàm phu mà thôi. 

Ta hỏi lí do: tại sao thiền sư lại nói như vậy? 

Thiền sư bảo rằng: Phàm là con người nếu còn chưa được vô tâm, tức tâm còn vọng tưởng chưa được thanh tịnh thì chung cuộc vẫn bị ràng buộc bởi âm dương khí số, mà đã bị ràng buộc bởi âm dương khí số thì làm sao nói là không có số được? 

Tuy nhiên, chỉ người phàm là có số. Những người làm việc cực thiện cũng như cực ác không bị số mệnh câu thúc mãi, bởi làm nhiều điều thiện có thể đương nghèo hóa giàu, còn trái lại làm nhiều điều cực ác có thể đương giàu sang phú quý trở thành nghèo hèn.

Nhà ngươi 20 năm nay, cứ theo lời đoán của Khổng tiên sinh mà bị số mệnh câu thúc không hề thay đổi một chút nào thì như thế chẳng gọi là phàm phu thì là gì? 

Ta hỏi ngay rằng: Vậy thì có thể tránh khỏi số mệnh được sao? 

Thiền sư đáp: Mệnh do chính mình tạo và phúc cũng do tự mình cầu được. Kinh Thư đã nói làm lành được phúc, làm ác bị giảm phúc, thực rõ ràng đúng là những lời minh huấn. Trong kinh Phật có nói cầu phú quý được phú quý, cầu nam nữ được nam nữ, cầu trường thọ được trường thọ. Này, vọng ngữ là điều đại giới của đức Thích Ca; chư Phật, Bồ Tát há lại nói dối trá, lừa người ư?

Ta hỏi thêm rằng: Mạnh phu tử nói những điều mình cầu mong mà có thể đạt được là do chính ở nội tâm mình nghĩ đủ sức làm được như vậy, thí dụ như muốn trở thành một người có đạo đức, nhân nghĩa thì tận tâm, tận lực tu tập thì sẽ được, còn như công danh phú quý là những điều ở ngoài thân tâm mình thì làm sao mà cầu được?

Vân Cốc thiền sư nói: Lời của Mạnh phu tử không hề sai, chính tự ngươi không hiểu hết ý nghĩa mà thôi. Ngươi chẳng thấy Lục Tổ đã nói là tất cả phúc điền đều không rời tâm địa của con người, từ nơi tâm mình mà tìm cầu thì mọi sự đều được cảm ứng. 

Tìm cầu ở ngay nội tâm của mình thì không những chỉ được đạo đức, nhân nghĩa mà công danh, phú quý cũng được nữa, đó là nội ngoại song đắc, trong nội tâm cũng như ở ngoài thân tâm đều cùng được cả bởi lẽ khi mình đã là người có đạo đức, nhân nghĩa thì người đời sẽ trọng vọng mình, công danh, phú quý không cầu cũng tự nhiên được; chỗ hữu ích của việc tìm cầu là đạt được sự việc vậy.

Nếu không biết hướng về nội tâm, mà chỉ mưu đồ hướng ngoại tìm thì thật không hợp đạo lý mà chỉ được những điều định mệnh đã an bài. Số mệnh đã định thì chẳng phải phí công phí sức, dù cầu hay không, tự nhiên rồi sẽ có. 

Ngược lại số không có, lại không biết phương pháp hướng nội tâm cầu thì dù có trăm phương ngàn kế mưu đồ cũng không được gì cả, chỉ mất công vô ích mà thôi, vì ở trong thì tâm trí thao thức không yên, ngoài thì chẳng được gì cả, đó là nội ngoại song thất.

Phương pháp cải tạo vận mệnh 

Biết lỗi thực sự phản tỉnh

Nhân đấy thiền sư lại hỏi ta: Khổng tiên sinh lấy số chung thân cho nhà ngươi ra sao? 

Ta cứ thực sự trình bày rõ ràng thì Vân Cốc thiền sư hỏi: Ngươi tự lượng xét mình xem có nên thành công trên đường khoa cử hay không? Có nên có con nối dõi hay không? 

Ta tự xét mình khá lâu rồi đáp: Thực không nên vậy. Những người thành công trên đường khoa bảng như tiến sĩ, bảng nhãn, thám hoa, đều là những người có phúc tướng, tại hạ phúc bạc lại không biết tích lũy công đức, hành thiện để bồi đắp nền tảng của việc đạt được phúc dày, hơn nữa lại không biết nhẫn những sự phiền toái vụn vặt, không có độ lượng rộng rãi bao dung người, có lúc lại ỷ mình tài trí hơn người, thường làm ngay nói thẳng, hay vọng đàm nên ngôn ngữ không được thận trọng. Phàm những điều như thế đều là bạc phúc, há còn dám nghĩ đến việc khoa bảng ru!

Nguyên nhân không có con:

- Chỗ đất ô uế, ẩm ướt thường hay sinh vật, còn chỗ nước trong vắt thì không có cá mà tại hạ lại có tật ưa thích sự tinh khiết sạch sẽ, đó là một điều thứ nhất không nên có con vậy. 

- Hòa khí tức phong vũ thuận hòa, thời tiết thuận tiện, vạn vật dễ sinh trưởng, mà tại hạ thì hay nóng giận, đó là điều thứ hai không nên có con. 

- Ái tức là lòng nhân ái, tâm từ bi là căn bản của sự sinh trưởng, vì nhân sinh quả, quả lại sinh nhân, cứ thế mà sinh sinh mãi mãi, còn nhẫn tâm không phải là gốc rễ của sự sinh dưỡng, tại hạ trọng thanh danh tiết tháo, thường không biết xả thân cứu người, đó là điều thứ ba không nên có con. 

- Hay nhiều lời mất khí lực cũng là điều thứ tư không nên có con; 
Uống rượu nhiều, tinh thần suy nhược là điều thứ năm không nên có con; 
Thường hay ngồi suốt đêm không biết bảo tồn nguyên khí, dưỡng dục nguyên thần là điều thứ sáu không nên có con vậy. 

- Ngoài ra, còn nhiều thói hư tật xấu khác kể ra không hết.

Thiền sư Vân Cốc bèn nói: Há chỉ có khoa bảng là nhà ngươi không muốn hay sao! Người đời được hưởng thụ tài sản thiên kim hay bách kim là số mệnh đã định cho họ thành đại phú hay trung phú, còn người bị chết đói cũng là do quả báo định vậy; thiên thượng chỉ phụ họa vào theo số phận của họ, chứ chẳng có một ly một chút ý tứ nào thêm thắt vào cả. 

Nói về việc sinh con nối dõi thì người tích lũy trăm đời công đức hay người tích đức mười đời, con cháu họ trăm đời sau hay mười đời sau sẽ tiếp tục gìn giữ hưởng phúc, còn những người chỉ có phúc ba đời hay hai đời, con cháu ba đời hay hai đời của họ sẽ được hưởng phúc đó. Những người phúc quá bạc thì bị vô hậu, không con nối dõi, dòng giống bị đứt đoạn.

Việc triệt để sửa lỗi:

Nay ngươi đã biết rõ những thói hư tật xấu, biết mình phúc bạc nhưng muốn trong tương lai được khoa bảng đề danh, muốn sinh con, thì ngươi nên tận tâm, tận lực cải sửa. Tất cả những việc về trước coi như đã xóa bỏ hết, coi như ngày hôm qua mình đã chết, và từ ngày hôm nay về sau, xem như được tái sinh, nếu phúc bạc thì cần phải tu nhân tích đức, hành thiện cần phải có lòng nhân hậu độ lượng bao dung người, cần phải cư xử hòa thuận, kính ái người và cần phải biết tồn dưỡng nguyên khí tinh thần. Đó là nghĩa lý của thân tái sanh vậy. 

Cái thân máu mủ huyết nhục của chúng ta hẳn nhiên đã có số nhất định, còn đã biết sửa đổi lỗi lầm, đã được giác ngộ, tâm được thanh tịnh thì thâm nghĩa lý ấy há không cùng thượng thiên cảm ứng, tương thông hay sao! 

Thiên Thái Giáp trong kinh Thư có nói: Thượng thiện tác hòa, bởi tiền nhân nay chịu hậu quả thì còn có thể tránh được, chứ tự mình gây ra những điều oan nghiệt, những điều ác thì phải tự gánh chịu ác báo, không thể sinh sống an lành, yên ổn được. 

Kinh Thi có nói: Con người phải luôn luôn tự xét lấy mình mà ăn ở, cư xử sao cho hợp thiện đạo, làm lành lánh dữ ắt hẳn phải được thiện báo. Đó là tự mình biết cầu được nhiều phúc. Khổng tiên sinh đoán là ngươi không có số khoa bảng, không con nối dõi, đó là cái oan nghiệt đã định sẵn từ trước, do vậy có thể tránh được. 

Nay ngươi nên đem cái thiên tính đạo đức trời đã phú cho mọi người, khai mở thật rộng rãi, chí tâm tận lực hành thiện, tích lũy âm đức, đó là tự mình tạo lấy phúc cho mình thì sao lại không được báo đáp, thụ hưởng ư?

Kinh Dịch thường luận bàn việc lấy nhân đạo phối hợp thiên đạo để cảnh giác con người cẩn thận tránh làm những sự bại hoại, đã vì người quân tử có nhân nghĩa đạo đức mà định rằng người ta cần xu hướng về đường thiện, xa lánh ác đạo hung hiểm. 

Nếu cho rằng số mệnh là hữu thường không thể biến cải được thì sao lại cần xu cát tị hung? Chương mở đầu của Kinh Dịch nói rằng một nhà mà tích đức hành thiện ắt có nhiều sự hỷ khánh, có phúc được hưởng thụ dài lâu. 

Theo Kinh Dịch thì số mệnh có thể biến cải miễn là biết làm nhiều điều lành và tránh ác. Ngươi có tin thực như vậy không?

... "
Đọc đầy đủ: Liễu Phàm Tứ Huấn

No comments:

Powered by Blogger.